Like on Facebook

Monday, January 6, 2014

Hướng dẫn làm hệ thống tưới nước tự động cho lan

Posted By: hoaduy - 6:17 PM
Nguồn: hoalanvietnam.org

Nếu chỉ có vài chục chậu lan, việc tưới nước và bón phân chỉ là chuyện nhỏ. Mỗi tuần vài lần kéo sợi giây đi loanh quanh, tưới từng chậu một, ta có thể kiểm soát xem có tưới đủ nước hay không? Đây cũng tạm gọi là một phương cách tập thể dục, cũng như xem xét cây có bị bệnh hay bị kiến, rệp hay không.


Nhưng nếu có hàng trăm cây, việc tưới nước và bón phân đòi hỏi khá nhiều thì giờ và khá vất vả cho những người lớn tuổi thường hay mỏi lưng và hoa mắt, giây vướng vào chân hoặc vướng và chậu.

Mặt khác, nếu chúng ta nghỉ hè hoặc đi chơi xa vài ba tuần lễ, ai sẽ thay ta tưới bón vườn lan? Chẳng lẽ lại phải thuê người hay nhờ bạn bè giúp hộ? Hệ thống tự động sẽ giải quyết được vấn đề này dễ dàng.

Chúng ta có thể tự làm lấy hệ thống tưới nước tự động mà không quá tốn kém. Các vật dụng để tưới nước thường có bán sẵn ở Home Depot, Wall Mart. Tôi tin rằng ở các xứ khác đều có chỗ bán.

• Bộ phận điều khiển tự động Automatic Sprinker System Timer
Bộ phận này giúp cho chúng ta có thể ấn định ngày, giờ và thời lượng tưới nước theo ý muốn. Bộ phận này giá từ $25 đến $80 tuỳ theo loại tưới từ 4 đến 8 khu vực hay nhiều hơn nữa.

• Các dụng cụ lặt vặt như:
- Van mở nước tự động, loại không chẩy ngược lại được (anti siphon).
- Kéo cắt ống nhựa PVC pipe cutter.
- Keo dán ống nhựa, chai bên trái (primer) để rửa sạch ống, chai bên phải PVC 2700 để gắn ống vào nhau.
- Ống nhựa và các đầu nối thẳng (coupling), góc (elbow), chữ T (Tee) v.v...



SẮP ĐẶT

Trước hết ta phải tìm nguồn cung cấp nước cho hệ thống này. Nên tìm nguồn nước tưới cho vườn trước hoặc vườn sau, bởi vì mạch nước này thường mạnh với áp xuất trung bình từ 70 psi trở lên. Không nên lấy nước từ trong nhà ra vì phần đông là yếu, khoảng 45-60 psi, hoặc giả trong khi có người đang tắm, nước tưới sẽ yếu đi.




Sau đó cần hoạch định khu vực tưới, bởi vì mỗi khu chỉ nên có từ 8-10 vòi phun ra (nếu dùng ống ¾ có thể đặt tới 15 vòi phun). Thí dụ phía sau nhà là khu 1, hông bên trái khu 2 và hông bên phải khu 3. Căn cứ vào đó ta sẽ tính toán để mua các vật dụng kể trên khỏi phải đi lại nhiều lần.

Nơi đặt bộ phận điều khiển tự động phải có mạch điện 120v rồi giảm xuống 24v (bán kèm theo bộ phận tự động).

THIẾT KẾ

Khóa hệ thống dẫn nước từ ngoài đường vào nhà. Nối ống nước chính bằng ống ¾ inche để có đủ nước. Lắp 3 chiếc van song hàng, luôn nhớ lắp theo chiều nước chẩy có mũi tên chỉ. Nếu đang từ ¾ giảm xuống ống ½ inche phải mua thêm cục giảm (bushing). Nhân viên bán hàng sẽ chỉ giúp chúng ta.

Đặt bộ phận điều khiển ở nơi có mạch điện và giảm xuống bằng cục biến điện 24 volt. Nối giây từ hộp điều khiển vào các van theo lời chỉ dẫn kèm theo hộp điều khiển.

Gắn các vòi phun nước vào các khu vực. Luôn nhớ không nên gắn xa nhau quá 7 feet. Các vòi phun nước có đủ loại: phun cả vòng tròn, ½, hay 2/3 vòng tròn, phun sang 2 bên v.v... Đầu ống phải dùng nắp bịt lại (cap).

Bắt giây điện dẫn từ hộp điều khiển vào các van, sau đó sắp xếp chương trình tưới nước theo lời chỉ dẫn của nhà sản xuất bộ phận tự động như: ngày giờ, khu vực, thời gian tưới, ngày tưới v.v...

BÓN PHÂN TỰ ĐỘNG

Muốn bón phân tự động cần phải có máy (giá khoảng $350) và một số vật dung lặt vặt như: lọc cặn [1], 2 van [2], 2 bộ phận nối [3] (union) và một bộ phận để cho nước khỏi chảy ngược (check valve) [4] và bắt theo hình ở bên.



Thùng đựng phân bón chừng 5-10 gallon nước với phân nước pha đặc tùy theo mỗi người. Vị thế trong hình tưới nước không có phân. Muốn bón phân khóa van số 1 và mở van số 2.

Máy bón phân tự động trong hình hiệu Dosatron 2090 Sunnydale, Clear water, FL. 33765 - Web: www.dosatronusa.com

Máy này có thể bón 11 gallon nước trong một phút. và có thể điều chỉnh độ đậm đặc của phân bón từ 1/64 đến 1/1500 thông thường là 1/100.

Hy vọng những lời chỉ dẫn trên có thể giúp chúng ta thiết lập một hệ thống tưới nước bón phân tự động để khỏi bận tâm và mất nhiều thì giờ về việc tưới bón vườn lan.

Hướng dẫn thay chậu và chiết tách địa lan

Posted By: hoaduy - 5:45 AM
Mùa xuân đã đến, thổ lan đã nở hoa khắp vườn, và cũng đến lúc sang chậu chia cây để cho kịp mùa tới. Trung bình từ 2-3 năm thay chậu một lần - nếu dùng vỏ cây thông, hoặc 4-5 năm một lần nếu dùng vỏ dừa. Những cây có hoa sắp tàn nên cắt xuống và cắm vào bình, hoa có thể tươi đẹp thêm vài tuần nửa (xem hình 1&2) không nên để hoa tàn trên cây sẽ làm cho cây bị yếu đi, có thể làm mất cơ hội ra hoa mùa tới. Những cây đã mọc đầy chậu và những vật liệu bên trong đã mục nát, cách thử nghiệm là dùng ngón tay đè vào lổ thoát nước, nếu cảm thấy mềm là đến lúc cần phải thay chậu (xem hình 3&4).



















Thổ lan là loại lan dễ bị bịnh vì nhiễm trùng, do những dụng cụ dùng để sang chậu, chia cây không được khử trùng hay ngăn ngừa cẩn thận, hay dùng chậu cũ mà không khử trùng, hoặc bị bịnh vì do sâu bọ chuyền đi từ cây bịnh qua cây chưa bịnh. Bởi vậy ngăn ngừa sâu bọ cũng rất cần thiết.

Dụng cụ

Những dụng cụ cần thiết cho sang chậu chia cây gồm có: kéo, dao, cây nén chặt vật liệu, một cây nhọn nhỏ để lấy bỏ vật liệu củ, 1 bình hàn gió đá dùng để hơ những dụng cụ bằng kim loại, Clorox (thuốc tẩy) dùng để rửa chậu cũ, bao tay và một số giấy báo, dùng giấy báo lót phía dưới khi sang chậu và thay giấy báo mới khi sang một chậu khác, để tránh bị nhiểm bịnh. (xem hình 5)

Vật liệuTrước khi dự định sang chậu chia cây, các vật liệu nên cần phải dự trù trước, nên ngâm các vật liệu vài ngày, không nên dùng potting soil (đất) tuy gọi là thổ lan, nhưng không nên trồng với đất hay trồng dưới đất vì dễ bị ứ nước – sẽ bị thối rễ, có thể dùng vỏ cây thông hay vỏ dừa và perlite, khi dùng vỏ dừa nên ngâm cho thật kỹ, khi nào không còn thấy đậm như nước trà nữa thì dùng tốt hơn.

Phương thức trộn vật liệu.Trồng thổ lan bằng:

- Vỏ thông vừa ½ (medium grade) 4 phần vỏ thông 1 phần perlite size #3

- Vỏ thông lớn ¾ (large grade) 4 phần vỏ thông 1 phần perlite size #4

- Vỏ dừa vừa ½ (medium grade) 4 phần vỏ dừa 1 phần perlite size #3

- Vỏ dừa lớn ¾ (large grade) 4 phần vỏ dừa 1 phần perlite size #4







Cách sang chậu:Trước tiên nên chọn ra một số cây cần sang chậu, và tưới đẫm trước một ngày, tưới nước trước là có vài lý do như sau:

1) Dễ lấy cây ra khỏi chậu hơn là để chậu khô.

2) Dễ lấy vật liệu cũ bị mục ra.

3) Rễ sẽ mềm dẻo hơn nên ít bị gẫy.

4) Củ lan ít bị khô và teo lại vì một thời gian không được tưới nước sau khi thay chậu.

Muốn lấy cây ra khỏi chậu dùng một cái búa cao xu nhỏ, gõ nhẹ chung quanh miệng chậu cho đến khi chậu rớt ra, khi lấy cây ra khỏi chậu - kế tiếp là dùng dao cắt khoảng 2” (5 phân) từ phía dưới (xem hình 7) sau đó dùng vật nhọn nhỏ để lấy ra hết vật liệu cũ (xem hình 8).





Khi lấy ra hết vật liệu cũ, nên tách bỏ bớt những củ trọc (xem hình 9) để lại nhiều củ trọc trong chậu sẻ không có lợi chỉ làm cho chật chậu, còn có thể làm hại tới cây. Những củ trọc sẽ có cơ hội phát triển trở lại, nếu lấy ra lau sạch và bỏ vào bao nylon, buộc miệng kín lại rồi để vào chỗ rợp mát, khi nào củ mọc mầm ra rễ rồi đem ra trồng lại (xem hình 10&11). Kế tiếp là tỉa bỏ những rễ chết, nếu như rễ bị thối toàn bộ - đừng cắt bỏ hết rễ, chừa lại một ít, để cho cây đứng vững, nhưng phải tuốt bỏ vỏ bao bọc bên ngoài, chỉ chừa lại những sợi chỉ bên trong










Cách chia cây:Khi một cây đã mọc đầy chậu, thì cần phải sang chậu lớn hơn hay chia ra thành nhiều chậu, nếu chia ra nên giữ tối thiểu 3-5 củ, dùng dao cắt từ trên thẳng xuống phía dưới và sau đó tách làm đôi (xem hình 12&13) sau khi chia đôi thì dùng cách thức cũng như sang chậu, kế tiếp là dùng vòi nước rửa sạch đất sình (xem hình 14).





Cách vô chậu:Khi vô chậu nên lựa chậu đủ chổ cho cây mọc khoảng 2-3 năm, cách mép chậu khoảng 2” đặt củ già gần mép chậu, để ý hướng cây mọc, chừa cho chỗ cây con mọc lên (xem hình 15).

Bỏ vỏ cây hay vỏ dừa vào rồi nén cho thật chặt (xem hình 16) nếu muốn biết cây có được nén chặt hay không, thì dùng cách thử nghiệm là cầm cây đưa lên, nếu như chậu không bị rớt ra là coi như đã chặt (xem hình 17)











Những điều cần thiết nữa là, bảng tên của cây, nếu như cây bị mất tên hay không có tên là coi như cây mất giá trị, ngày tháng và năm sang chậu cũng rất quan trọng, giúp cho ta biết được hạn kỳ phải thay chậu (xem hình 18&19)




Sau cùng là pha một thìa B1 cho một gallon nước rồi tưới đẩm, xong rồi để vào chỗ rợp mát 2-3 tuần mới tưới (xem hình 20)











Cách trưng bày lan trong nhà mà không héo, rụng nụ

Posted By: hoaduy - 5:37 AM
Nguồn: hoalanvietnam.org

Bỏ ra bao nhiêu tháng ngày chăm lo tưới bón, tốn công, tốn sức đến khi lan vừa mới kết nụ, đơm bông hoặc vừa mua được chậu hoa tốn trên trăm bạc vội mang vào trong nhà trưng bầy cho đẹp. Mới được vài ngày hoa tàn, nụ rụng, cuống thui, lá vàng úa. Thật không có gì buồn chán và tức bực cho bằng.


Chúng ta hãy tìm hiểu những nguyên nhân nào gây ra tình trạng tệ hại thê thảm này:

1. Lan không ưa sự thay đổi nhiệt độ thái quá và bất chợt. Vào mùa xuân, thu khí trời mát mẻ nhiệt độ bên ngoài khoảng 60°F hay 15.6°C mang vào trong nhà nhiệt độ trung bình trên dưới 80°F hay 26.7°C. Sự thay đổi đột ngột này làm cho cô nàng Lan thể chất vốn dĩ yếu đuối lại thêm khó tính, nhõng nhẽo, khó chiều bị ê mình ê mẩy. Nhưng chuyện này chỉ xẩy ra ở các xứ Âu Mỹ vì nàng lan quê nhà vốn dĩ đã dạn dầy sương gió, nhà thì cửa trước, cửa sau mở ra trống trước trống nên làm gì có chuyện thay đổi đột ngột. Hơn nữa nhiệt độ bên ngoài nếu có thay đổi cũng từ từ phải cả tiếng sau mới khác biệt, tuy vậy nhưng người ở miền Nam California đã kinh nghiệm chuyện này. Sau một trận gió mệnh danh là "Santa Ana wind" vừa khô, vừa nóng lại còn thêm cơn gió thổi mạnh như bão, mấy chiếc nụ vừa ra đã úa vàng và rụng dần. Nói tóm lại sự thay đổi đột ngột tăng lên từ 10°F hay 6°C sẽ ảnh hưởng đến chuyện héo hoa, rụng nụ, nhưng nếu lạnh xuống thì lại không sao.

2. Lan cần phải có độ lạnh và cách biệt giữa đêm và ngày. Chúng ta ai cũng biết rằng muốn giữ hoa lâu tàn, cần phải để trong phòng lạnh khoảng 50°F hay 10°C. Trong nhà cửa kính kín mít, nhiệt độ ban ngày và ban đêm lúc nào cũng vậy, cho nên ban đêm cần hé mở cửa sổ hoặc hạ bớt lò sưởi xuống 60°F hay 15,6°C cho dễ ngủ và tốt cho lan.

3. Lan cần ẩm độ trung bình từ 50%, nhưng trong nhà vì nấu bếp, vì lò sưởi cho nên ẩm độ xuống rất thấp chỉ còn khoảng 5-10%. Vì vậy cần để chậu cây bên trên đĩa nước có lót những viên đá nhỏ hoặc dùng bình phun nước (sprayer) mỗi ngày vài lượt để cho lá và hoa khỏi khô. tốt hơn mua một máy phun hỏi ẩm (Humidifier) loại rẻ tiền khoảng $20. Nên dùng nước cất (distilled) hay nước lọc để khỏi đóng cặn trên lá.

4. Lan cần thoáng gió, trong nhà không khí không chuyển động, không thích hợp với lan, nhất là các loại phong lan. Tránh để lan vào một góc không có người qua lại, vì đi qua hay lại cũng làm không khí chuyển động. Nếu cần để một chiếc quạt nhỏ loại xoay qua xoay lại (occilating fan).

5. Lan không ưa mùi gas, mùi xào nấu, khói bếp, những mùi xăng nhớt hay hóa chất trong các bình xịt bằng hơi ép. Vì vậy nên để lan xa bếp lò, lỗ lò sưởi thổi ra.

6. Lan cần ánh sáng để nuôi sống cây và giữ cho hoa lâu tàn. Thiếu ánh sáng mầu sắc sẽ lạt dần và lan dễ bị bênh.

7. Lan không ưa tưới thường xuyên. Khi ở ngoài trời có nắng có gió, trung bình một tuần tưới một lần. Lan để trong nhà tưới thưa hơn, từ 1 dến 2 tuần, nhất là những chậu lan trồng bằng rêu (sphagnum moss). Khi tưới nên nhớ tưới cho thật đẫm. Mỗi ngày tưới một chút là giết cây lan dần dần vì rễ lúc nào cũng ướt. Những giống nữ hài (Paphiopedilum) hay Đinh tử hương (Zygopetalum) và những loại Masdevalia cần tưới hàng tuần đừng để cho khô rễ, nhưng cũng không nên tưới quá thường xuyên.

8. Một số lan rất nhậy cảm nhất là những loại lan nguyên thủy (species) không ưa những sự thay đổi từ nhiệt độ, độ ẩm, hơi đốt v.v... Lan lai giống bán trên thị trường thường mạnh hơn vì đã được lựa chọn nhũng giống mạnh, hoa nhiều và lâu tàn.

Để lan trong nhà cần phải chú trọng những điều kể trên và nơi tốt nhất là gần cửa sổ hướng Nam có ánh nắng chiếu vào. Mang lan vào trong nhà để chưng bầy không nên để quá 2 tuần lễ, nếu không cây lan sẽ yếu dần. Để quá lâu lan sẽ chết. Tốt hơn hết là sau 2 tuần cắt bông để giữ cho cây được mạnh và sẽ có hoa vào năm tới.

Hướng dẫn mua lan đúng cách

Posted By: hoaduy - 5:22 AM
Nguồn: hoalanvietnam.org

Những người mới chơi lan thường hay mắc chung một khuyết điểm: Thấy bông hoa đẹp cây, rễ tốt tươi như loại Vanda chẳng hạn, đã vội vã mua ngay. Do đó không được bao lâu cây lan sẽ chết hoặc không ra hoa. Bởi vì Vanda là loại cây thường mọc ở vùng nhiệt đới ấm áp quanh năm, ẩm độ cao lại cần nhiều ánh nắng cho nên muốn nuôi phải biết cách trồng.



Chúng ta nên nhớ lan mọc ở 5 châu, 4 biển, núi cao đầy sương gió, rừng rậm âm u, đầm lầy ẩm thấp. Mỗi giống lan có một môi trường sinh sống khác nhau. Một vài cây lan vẫn thường mọc ở vùng nhiệt đới như Thái Lan, Việt Nam, Mexico, Hawaii hay Florida thời tiết ấm áp, độ ẩm cao, nắng mưa điều hòa khó lòng chịu nổi cái lạnh và khô ráo của California, ngoại trừ ta sẽ nuôi lan trong nhà kính. Ngay tại miền Nam California, khí hậu ở Riverside cũng khác hẳn với Fountain Valley, vì vậy ta cần tìm hiểu về những điểm sau đây trước khi quyết định mua lan:

1- Nơi chúng ta sẽ để lan, mùa hè nóng tới bao nhiêu độ, muà đông lạnh nhất là bao nhiêu độ, trung bình là bao nhiêu? Vì nóng quá hay lạnh quá cây sẽ bị cằn cọc lại và sẽ chết.

2- Chỗ đó có đủ nắng hay không? Nắng buổi sáng hay buổi chiều? Ánh nắng rất cần thiết cho cây tăng trưởng và nở hoa. Thiếu ánh nắng cây sẽ èo uột và không ra hoa. Làm sao để biết ta có đủ nắng hay không? Nếu lá xanh thẫm, mềm và rũ xuống tức là thiếu nắng. Lá vàng ngả mầu tía, cây bị cọc lại là quá nhiều nắng. Lá cây mầu xanh hơi vàng như trái olive là đủ nắng.

Sau khi tìm hiểu về nơi chúng ta sẽ để lan, ta sẽ tìm mua cây lan nào thích hợp với môi trường đó.

Các chậu lan cần có bảng tên để giúp chúng ta hiểu rõ về sự nuôi trồng bởi vì ngoài vấn đề nhiệt độ, ánh nắng còn liên quan đến việc tưới nuớc bón phân v.v... Bảng tên toàn những danh từ khoa học tuy khó đọc nhưng mỗi ngày một quen. Hơn nữa nhìn vào bảng tên cây, người ta có thể đánh giá trình độ của người chơi lan.

Sau đây là tên viết tắt của một vài loại lan:

Aer.AeridesEpc.Epicattleya
AervdAeridovandaKawKagawara (ascocenda x renanthera)
AngcmAngraecumLc.Laeliocattleya
AscdaAscocendaNeof.Neofinetia
Ascf.AscofinetiaOnc.Oncidium
Asctm.AscocentrumPhal.Phalaenopsis
B.BrassavolaRen.Renanthera
Blc.BrasolaeliocattleyaRhctmRhynchocentrum
Bro.BroughtoniaRhrds.Rhynchorides.
CCattleyaRhv.Rhynchovanda
Chtra.ChristiearaRhyRhynchostylis
Ctna.CattleytoniaSoph.Sophronitis
CymCymbidiumSlcSophrolaeliocattleya
DenDendrobiumV.Vanda
Enc.Encyclia

Nếu chúng ta muốn có một vườn lan nở quanh năm đừng nên mua toàn một thứ. Thí dụ lan đất, lan Úc đa số chỉ nở vào mùa xuân. Muốn nhận diện các giống lan để dễ dàng chọn lựa ta nên mua một cuốn sách bỏ túi Golden Guide Orchids giá 8$, hay cuốn The Illustrated Encyclopedia of Orchids giá 40$ hoặc cuốn sách mới nhất Botanica's Orchids giá 25$. Những cuốn này có khá nhiều hình ảnh những cây lan, chúng ta ghi tên những cây muốn mua, như vậy không sợ mua phải những thứ không thích hợp với chỗ chúng ta sẽ để lan.

Tìm hiểu về cây lan cũng chưa đủ, ta còn cần tìm hiểu về trình trạng và xuất xứ của cây lan nữa:

1- Chúng ta nên mua những khỏe mạnh, tươi tốt không có những đốm đen, vệt lõm xuống dấu hiệu của bệnh tật và vi rút (virus). Bệnh tật có thể chữa được nhưng vi rút bất trị và sẽ lây lan sang cây khác.

2- Những cây lan rừng không còn rễ (bare root) hay rễ đã chết khô cần phải có một thời gian khá dài mới ra rễ hay hồi phục được. Trường hợp này pha 10 giọt SuperThrive (hormone) xin đừng lầm với loại Rootone, một muỗng canh B1 và một muỗng cà phê đường trong một gallon nước, nhúng cây lan vào chừng 6 giờ rồi bỏ vào túi nylon cột kín lại. 2 ngày sau xả nước ấm, để cho ráo rồi bỏ vào túi cột kín, chờ khi ra rễ dài chừng 2 phân mới đem trồng. Thời gian này có thể là một vài tháng hay lâu hơn.

3- Phần đông chúng ta mua cây tại các vườn lan từ Hawaii, Florida hay ngay cả các vườn lan từ miền Bắc California là nơi từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng v.v... hoàn toàn khác hẳn với nơi ta để lan, cho nên thế nào cây cũng bị khựng lại hay bị thui chột (shock). Do đó chúng ta đừng vội mang ngay ra sân hay vườn trước khi cho cây làm quen dần dần với thời tiết. Nghĩa là đừng mang ra ngoài khi trời còn quá lạnh và cũng đừng mang ngay ra ngoài nắng. Hãy để vào chỗ rợp mát và thoáng gió sau đó sẽ di chuyển dần dần ra chỗ có nắng.

Tốt hơn hết là chúng ta nên mua cây tại các vườn lan địa phương nơi có cùng thời tiết, khí hậu với chúng ta. Nhưng khi mang từ ngoài vườn vào trong nhà cũng không nên để quá lâu bởi vì trong nhà độ ẩm rất thấp trừ khi chúng ta tăng cường độ ẩm cho cây bằng cách để các chậu cây trên khay nước.

Thấu triệt được những đỉểm trên, chúng ta coi như đã thành công được 2/3 chặng đường dẫn tới thành công.
Nguồn: sưu tầm Internet

Friday, January 3, 2014

Một số kinh nghiệm hay về chăm sóc lan

Posted By: hoaduy - 5:45 PM
Khác với các cây trồng cạn, trồng trong môi trường nước (thủy sinh), các loài phong lan (họ lan Orchidae) lại có đời sống khí sinh, bì sinh (không cần đất) nhờ bộ rễ "ăn nổi" bám vào vỏ cây rừng nhiệt đới hoặc hút chất dinh dưỡng từ mùn hữu cơ đang hoai mục tích tụ trong các hốc đá cheo leo để hoàn tất vòng đời.





Khác với các cây trồng cạn, trồng trong môi trường nước (thủy sinh), các loài phong lan (họ lan Orchidae) lại có đời sống khí sinh, bì sinh (không cần đất) nhờ bộ rễ "ăn nổi" bám vào vỏ cây rừng nhiệt đới hoặc hút chất dinh dưỡng từ mùn hữu cơ đang hoai mục tích tụ trong các hốc đá cheo leo để hoàn tất vòng đời.

Là họ tiến hóa cao trong thế giới thực vật, phong lan thích nghi hoàn hảo với thụ phấn nhờ sâu bọ nên có nhiều đặc điểm rất hấp dẫn thị hiếu con người: Sắc màu, hương thơm đa dạng và phong phú, mật ngọt, phấn bùi v.v... lại không cần đất, không đòi hỏi hướng phơi sáng trực tiếp do thích nghi với khí hậu nóng ẩm, dưới bóng râm nên cây này rất thích hợp cho mọi nơi chốn, nhất là chung cư, đô thị. Vì vậy nhu cầu về giống vượt trội so với khả năng cung cấp của lan tự nhiên (lan rừng).

Do đó cần phải chọn lọc giống tốt, chủ động nhân ươm để cung kịp cầu trong phong trào chơi sinh vật cảnh rầm rộ như hiện nay và tăng trưởng mạnh hơn khi công cuộc xóa đói giảm nghèo tiến triển.

Nhân giống phong lan tiến hành vào mùa xuân là thời vụ thích hợp nhất cho sinh trưởng của cây này, phương pháp nhân sinh dưỡng bằng tách những mầm chồi phát ra từ xung quanh cổ rễ (gốc) của cây mẹ trong bụi – đó là những "giò" lan. Cũng giống như chuối (cùng lớp một lá mầm có gân lá song song hoặc hình vòng cung, rễ chùm), trong việc chọn giống và nhân cần lấy từ những khóm (bụi) lan đã bói hoa, còn đang sung sức, không bị sâu bệnh để cây giống sẵn có kích thích tố (auxin) sinh sản vừa lớn nhanh, lại sớm trổ hoa trở lại sau khi trồng.

Dùng dao hoặc kéo hay mũi đục sắc đã hơ lửa, nhúng cồn để sát trùng tách giò lan giống sát gốc cây mẹ, kèm theo bộ rễ mới và giá thể (đặc biệt cần với lan rừng để cây giống sẵn có thức ăn ban đầu giúp thích nghi dần với nơi ở mới). Chấm gốc giò giống vào tro bếp hoai mục (tro "xó bếp") hoặc hỗn hợp tro + bùn hẩu đã khuấy kỹ theo tỷ lệ 1:1 về khối lượng để "hồ" – kích thích rễ mới ăn ra nhanh và nhiều (như kinh nghiệm "hồ" rễ mạ và nhiều loài, giống cây trồng khác), rồi cho vào lồng, cố định với giá thể (và cũng là thức ăn nuôi lan).

Giá thể cho lan bám và hút chất khoáng dễ tiêu chính là những mẩu gỗ vụn còn nguyên vỏ đang hoai mục đã bị hơ xém vỏ ngoài để tiệt trùng và hấp dẫn, kích thích rễ lan "ăn ra" bám vào đó. Nên lấy ở những cây không nhựa mủ thích hợp với nhu cầu đồng hóa của rễ phong lan (tốt nhất là cây vỏ dầy chứa nhiều hữu cơ tinh luyện đang phân hủy). Có thể trộn thêm với những mẩu than gỗ nhỏ và xỉ than, bã chè hoai mục... theo tỷ lệ 7:1:1:1 (theo khối lượng) đảm bảo cân đối và đầy đủ khoáng đa, vi lượng nuôi lan.

Treo "lồng" lan giống dưới tán cây, bóng râm hoặc đặt dưới giàn che, điều hòa ẩm độ cho giá thể và môi trường không khí bao quanh thường xuyên ẩm và mát. Tuyệt đối không để bộ rễ sũng nước hoặc khô quắt.

Phun tưới cho cây theo kinh nghiệm: "Hai ướt – một khô" trong ngày, nhất là khi thu về hanh lạnh. Đó là sáng sớm (trước bình minh) và chiều tối (sau hoàng hôn) để cây được mát gốc, chồi và lá không bị cháy khảm (lỗ rỗ) do các giọt nước hội tụ ánh nắng gây ra.

Có thể "bồi dưỡng" cho lan bằng nước gạo tươi (mới vo chưa chua), không lạm dụng phân hóa học vì dễ gây "tốt lá xấu hoa" hoặc "thâm rễ thối mầm".

Khi thấy lá ngọn rụt lại (cũng giống như chuối và hầu hết các cây 1 lá mầm) cần tăng thời gian phơi sáng thêm 1 – 2 giờ trong ngày thì hoa sai, thắm sắc, đậm hương hơn

    ( Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam, ngày 16/1/2005, số 12 )

Thời gian nở hoa và cách chăm sóc một số loại lan

Posted By: hoaduy - 5:39 PM
Tôi có 5 cành phong lan trong đó có 1 cành đã ra hoa rất đẹp đem từ Trường Sơn về nhân một chuyến thăm lại chiến trường xưa. Vừa rồi báo đã hướng dẫn chăm sóc phong lan những ngày nắng nay tôi muốn được quí báo cho biết: Cây đã ra hoa và hoa đã tàn thì có nên cắt bỏ để tập trung nhựa cho các cây khác? Hàng ngày chăm sóc phong lan thế nào? (Vũ Khắc Hiếu - Tân Hưng, Tân Việt, Bình Giang, Hải Dương).
Phong lan phượng vĩ



Trả lời: Theo anh Trần Tuấn Anh, chủ vườn phong lan lớn nhất TP.Hà Nội thì người chơi lan phải tìm hiểu nguồn gốc của giò lan mình mua từ đâu để biết được tiểu khí hậu của vùng đó mà có chế độ ánh sáng, độ ẩm, chăm sóc cho phù hợp thì cây mới sinh trưởng tốt, ra hoa đẹp.

Về chế độ ánh sáng: Vì bác không cho biết là 5 cành phong lan của bác thuộc loài gì để có khuyến cáo cụ thể, do đó chúng tôi nêu kinh nghiệm của anh Trần Tuấn Anh về chế độ ánh sáng cho một số loài phong lan chủ yếu đang được nuôi trồng ở các tỉnh vùng đồng bằng có nguồn gốc từ lan rừng đưa lại hiệu quả kinh tế cao như:

Phong lan kiều vàng thường ra hoa vào mùa xuân. Thời gian nở hoa khoảng 15 ngày, có hương thơm, dễ nuôi trồng, chịu nắng khá, đòi hỏi độ ẩm tương đối cao, ánh sáng khoảng 75%.
Hoàng thảo kiều vàng là loại phong lan rất đẹp trong dòng hoàng thảo, hoa nở thành từng chùm vào mùa xuân, cánh trắng nhị vàng, độ bền hoa khoảng 15 ngày. Độ ẩm thích hợp cho cây phát triển và nở hoa là 60%, ánh sáng thích hợp 75%.
Hoàng thảo kim điệp cũng thuộc dòng hoàng thảo sống ở các vùng rừng núi phía bắc, hoa màu vàng tươi, nở từng bông dọc theo thân cây. Hoa nở vào mùa xuân, độ bền hoa khoảng 20 ngày, rất thơm. Mỗi năm nở hoa một lần. Độ ẩm thích hợp là 75%, ánh sáng thích hợp 70%.

Phong lan phượng vĩ có cánh và màu hoa giống hoa phượng vĩ, đỏ rực, có hương thơm, độ bền từ 40-50 ngày, nở vào mùa hè, độ ẩm thích hợp từ 60-70%. Hoa rất ưa ánh sáng, có thể chịu đựng ánh sáng hoàn toàn 100%, vì vậy khi trồng nên đặt hoa ở chỗ có thể đón ánh sáng mặt trời trực tiếp để hoa nở đẹp.

Thanh hạc nằm trong dòng hoàng thảo thường nở vào mùa xuân hè, cánh hoa có màu xanh lục, nhị màu đỏ, trông rất lạ mắt. Độ bền hoa từ 40-50 ngày. Độ ẩm thích hợp 75%, ánh sáng thích hợp dưới 75%.

Phong lan tai trâu có hoa nhỏ và thơm, chùm hoa sai, lá rất dày, thường nở vào đầu xuân nên còn có tên là lan nghên xuân. Cây ưa ánh sáng 60%, độ ẩm dưới tán 60-70%. Để trồng tốt được các loại lan rừng điều quan trọng nhất là phải để đúng với điều kiện của hoa như ở trong rừng, đảm bảo các yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng.

Về tưới nước: Lan rất cần nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng và chết, nụ có thể rụng trước khi nở hoa. Thừa nước, cây dễ bị thối ngọn nhất là với các giống lan có lá mọc đứng, sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Dùng nước sạch để tưới cho lan, không dùng nước bẩn, nước nhiễm phèn, mặn dễ làm cây còi cọc, chậm lớn và dễ chết. Chỉ nên tưới đủ ẩm cho lan và tưới vào những lúc sáng sớm, chiều mát, tránh tưới vào buổi trưa nắng nóng.

Về phân bón: Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón qua lá dùng cho cây cảnh, đặc biệt là dùng bón cho phong lan như Grrowmore, Orchid, HVP, Việt Hà Ferti, Đầu trâu 501, 701 và 901 hoặc 009 v.v… Chú ý không phun trực tiếp lên các giò hoa đang nở để tránh cháy cánh hoa, làm thối rụng hoa.

Nguồn: sưu tầm Internet

Kinh nghiệm trị bệnh héo rễ hại phong lan

Posted By: hoaduy - 5:29 PM
Tôi có chơi một số giò lan Hồ Điệp và Đăng Lan, dáng rất đẹp, bộ rễ khỏe mầu trắng xám nhìn rất hấp dẫn. Nhưng vào mùa mưa vừa qua không rõ tại sao chỉ sau một số đợt mưa dài ngày thì thấy có những rễ bị héo khô xốp, không còn cứng chắc như trước, về sau chúng chuyển dần sang mầu nâu đen rồi mục ra. Xin cho biết đó là hiện tượng gì? Liệu có ảnh hưởng đấn việc ra hoa của cây lan không? Nếu có xin được chỉ dẫn cách khắc phục?


Võ Văn Vấn (Tp. Vũng Tàu)
Và một vài bạn ở Đồng Nai
Trả lời: 

Hiện tượng mà các bạn mô tả rất giống triệu chứng của bệnh héo rễ (Wilt), nếu đúng như vậy thì đây là bệnh héo rễ do nấm Sclerotium rolfsii sacc gây ra.

Bệnh thường gây hại nhiều trên một số giống lan như Phalaenopsis (Hồ điệp): Dendrobium (Đăng lan); Cattleya (Cát lan)...Với những giống có bộ rễ to, khỏe, chắc như Vanda (Vân lan)... bệnh thường hại ít hơn. Đối với những cây lan còn nhỏ vừa mới được “ra ngôi” nếu rễ bị hại thì bộ lá sẽ vàng dần, nếu nặng có thể bị chết. Với những cây lan đã trưởng thành đang phát triển tốt thì ít bị chết hơn, nhưng rễ khô và mục sẽ làm cho cây chậm phát triển, yếu ớt, còi cọc và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa sau này.

Thường bệnh tấn công đầu tiên ở đọan rễ gần với gốc cây (nơi mà rễ tiếp xúc nhiều với chất trồng) vì nơi đây có ẩm độ cao (nhất là những người dùng vỏ của trái dừa khô hay cám xơ dừa làm chất trồng, khi mưa hoặc tưới, nước bị giữ lại nhiều trong đó). Còn phần rễ nằm xa gốc do không tiếp xúc với chất trồng, thóang khí, khô ráo nên ít bị bệnh tấn công hơn. Sau khi gây hại ở đọan rễ gần gốc bệnh tiếp tục lan dần xuống phía chóp rễ, làm cho cả bộ rễ bị hư hại (ảnh IV-4a, IV-4b). Những rễ mới bị bệnh nếu không chú ý vẫn tưởng đó là rễ bình thường, vì lúc đó rễ chưa có biến đổi nhiều về mầu sắc, kích thước, nhưng nếu sờ tay bóp nhẹ thì thấy rễ đã bị khô xốp nhe,ï chứ không tươi, cứng chắc như rễ bình thường. Khi tuốt bỏ lớp ngòai của rễ bị bệnh ra thì phần lõi rễ bên trong vẫn còn dai chắc. Nếu gặp thời tiết mưa ẩm nhiều thì chỗ bị bệnh bị mục và chuyển dần sang mầu nâu đen.

Để hạn chế tác hại của bệnh các bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
-Nếu trời mưa dài ngày liên tục nên dùng vải Nilon che phía trên giàn lan để hạn chế bớt nước mưa xối xuống chậu lan.

-Về chất trồng, không nên dùng các vật liệu có tính giữ nước lâu dài như vỏ dừa khô, cám xơ dừa...nên dùng dớn sợi, than củi để chất trồng không giữ nước nhiều dễ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh, phát triển.

-Vào những thời điểm có ẩm độ không khí cao nên giảm bớt lượng nước tưới và cữ tưới trong ngày.

-Không nên treo các chậu lan sát sít nhau để giàn lan luôn được thông thóang, giảm bớt ấm độ không khí trong giàn lan, đồng thời hạn chế sự lây lan của bệnh từ chậu này sang chậu khác.

-Không nên che chắn qúa kín xung quanh để giàn lan luôn được thông thóang, có nhiều ánh sáng tán xạ tốt cho cây lan.

-Không nên dùng nhiều phân bón có hàm lượng Đạm cao, làm cho cây xanh mướt, bộ rễ mềm yếu, sức chống đỡ với bệnh kém.

-Khi cây đã nhiễm bệnh cần cắt bỏ hết những rễ đã bị bệnh treo chậu lan cách ly ra một khu riêng sau đó dùng một trong các lọai thuốc như: Benlate 50WP; Fundozol 50WP; Bendazol 50WP; Vicarben 50BTN; Topsin-M 50WP; Derosal 50SC... để phun xịt. Sau khi phun xịt thuốc nên bỏ một vài cữ tưới để thuốc không bị rửa trôi.

Nguồn: http://thongtinkhcn.vinhlong.gov.vn

Chia sẽ một số cách nhân giống lan hồ điệp

Posted By: hoaduy - 5:14 PM
Có cách để tự nhân giống tại vườn nhà mình: Kích thích, tạo cây Ky (cây con mọc từ mắt ngồng hoa, hoặc từ mắt thân cây mẹ).
Và còn một cách nữa cho Hồ điệp: Kích thích, ép cây mẹ đẻ cây con từ..... nách.

Các bạn chơi Lan lâu năm thường dùng thủ pháp này để nhân giống lan tại vườn nhà. Tôi cũng đã áp dụng phương pháp này, kết quả rất khả quan, xin chia xẻ chút kinh nghiệmnày cùng các bạn yêu Lan. Mọc cây ky và nở hoa rồi mới bắt đầu mọc rễ:

1 - Phương pháp cho Hồ điệp sinh cây ky trên các mắt của ngồng hoa:

- Hồ điệp là loại đơn thân, thường cứ cao dần tiếp. Nhưng nó có khả năng đẻ cây con từ nách lá, và mọc cây Ky từ mắt ngồng hoa. Nếu có kế hoạch chăm sóc tốt, biết dùng thêm chất kích thích hợp lý, thì khả năng sinh cây con và cây ky (keiky) rất cao.

- Vào khoảng tháng 2 đến tháng 6, giai đoạn từ khi hoa tàn độ 3/4 ngồng cho đến khi hoa tàn gần hết. (Vì bạn còn muốn để ngắm hoa một thời gian, nhưng nếu để muộn quá thì ngồng hoa sẽ sớm khô, có thể không kịp cho mọc cây ky nữa).
Bạn hãy cắt ngồng hoa, bỏ từ khúc có phân nhánh hoặc có hoa trở lên. Thường chỉ để lại 4-5 khúc của ngồng hoa (tính từ gốc lên). Vết cắt nên cách mắt độ 1-3cm. Bôi Daconil hoặc thuốc chống bệnh vào vết cắt, để khô vết cắt 2-3 ngày.

Bạn bồi bổ cho cây mẹ bằng phân bón lá 20-20-20 độ 3-4 tuần, để cây được hồi sức sau đợt nuôi hoa.

Bạn lấy bông hoặc vải mềm quấn nhẹ, xốp, quanh các mắt ngồng(thường thành công ở các mắt thứ 3-4-5, tính từ gốc lên), rộng độ 5-7mm, dày độ 2-4mm.

Rồi cách nhật, theo trình tự này, bạn nhỏ các thuốc kích thích vào chổ bông đó, như sau:
+Từ khi bắt đầu cho đến khi các mắt sưng lên (xung dịch), mới hơi nhú đầu rễ hoặc chồi cây ky (Khoảng 2-4 tuần): Antonic 1/500 (độ 4 giọt/100cc nước). Hoặc thay bằng B1 Thái.

Thường nó mọc chồi trước, rễ sau. Nhưng đôi khi ngược lại. Có lần tôi làm, giữa mùa hè nó vừa mọc cây ky, vừa ra hoa, sau đấy nó mới mọc rễ.

+Khi mắt đã sưng, hơi nhú chồi hoặc rễ thì tháo băng ra, đổi phun thuốc ngay (nếu tiếp tục thuốc đó, nó sẽ làm "cháy" chồi và rễ non.)

+Chuyển sang: Rootplex (hoặc Kelpak) 1/1000, cộng thêm chút xíu B1 Thái và chút xíu Antônic. Phun như bón lá.

+Chỉ 2-3 tuần sau, bạn đã có cây ky xinh xắn nhú ra từ những mắt ngồng hoa cũ đó.

Nhưng, bạn đừng vội tách 2 mẹ con nó. Tiếp theo, bạn chăm bón bình thường, đợi khi có nhiều rễ cây ky dài độ 4-6cm trở lên hãy cắt trồng riêng, cho an toàn.

Bạn nên xếp thêm than cho cao lên đón rễ, cho rễ bám vào than, thì cây ky phát triển nhanh, và khi cắt cây ky trồng xuống, nó phát triển tiếp ngay, không bị chột lại.

Nếu thích, bạn cứ để cây ky ở cùng mẹ 1 năm, cây ky vẫn có thể ra hoa, rồi lại cho mọc cây ky cháu, rồi lại.... Rất ngộ nghĩnh.

Nếu cây mẹ có hoa sớm, bạn kích thích mọc cây ky sớm, thì bạn được "hoa cháu" giữa mùa hè năm đó luôn.
Mẹ sinh cây ky trên cành hoa, cây ky trên cành hoa lại ra cành hoa nữa. Tạm gọi là "Hoa cháu" vậy:

Chỉ nên làm khi cây đã gần tàn hết hoa. (Nếu cắt ngồng khi đang còn nở hoa, thì nó lại ra nhánh hoa khác. Nếu cắt muộn quá, ngồng có thể khô héo, không ra keyki nữa.)

Bồi bổ cây mẹ trước khi kích thích và trong quá trình cây sinh sản bằng phân bón 20-20-20, hoặc 30-10-10, thêm chút ít Antonic và Rootlex (kích thích sinh trưởng), ngay từ trước lúc sắp cắt cành hoa cho đến khi có cây ky.

Phải để chậu ở thấp nơi mát ẩm, tuyệt đối tránh ánh nắng gắt (chỉ cần 20-40% ánh sáng, tức là hơi âm u) trong giai đoạn kích thích. (Nắng nhiều thì nó có thể héo keyki hoặc mọc nhánh hoa tiếp)

Thuốc pha không nên để lâu sẽ biến chất, mất hiệu lực. Bạn nên đong thuốc bằng giọt, với tiêu chuẩn tính là 20 giọt = 1cc


2- Phương pháp ép cho Hồ điệp đẻ cây con:
Để Hồ Điệp đẻ cây con có khó hơn tạo cây ky một chút:

Để tạo cây ky chỉ cần cây có ngồng hoa là làm được, dù là cây còn rất non, mới bói hoa.

Để HĐ đẻ cây con thì rất khó thành công khi cây còn non, thường chỉ tiến hành được trên cây lớn hơn 3 năm tuổi, thân phải đủ cao để tiến hành thủ thuật: Cây con thường được sinh ra ở phần dưới thấp của gốc, thậm chí là ở phần đang có rễ của cây.
Bạn nên chọn thời điểm mùa Xuân, sau khi đã cắt ngồng hoa sớm, bồi bổ cho cây sung mãn trước khi tiến hành thủ thuật độ 1 tháng. Bằng phân 30-10-10 hoặc 20-20-20, gia thêm chút thuốc kích thích sinh trưởng.
Chậu Hồ điệp thơm này kết hợp cả 2 phương pháp nhân giống nói trên: Vừa mọc keyki trên ngồng hoa cũ, vừa đẻ cây con bên nách:

Các bước tiến hành thủ thuật ép đẻ cây con như sau:
a- Bón kích và hạn chế tưới:
Dùng phân 20-20-20 gia thêm Antonic 1/1000 và Rootplex 1/2000 (hoặc Kelpak)
phun mặt dưới lá và tưới gốc 5 ngày/lần x 3 lần. Hạn chế tưới nước để cây mẹ hơi ngót nước đi.
b- Thắt thân cây mẹ:
Lấy dây điện nhỏ có 1 lõi đồng mềm (như dây nhỏ trong bọc dây điện thoại), quấn vào thân cây mẹ 1 vòng rồi xoắn thít dần, cho đến khi lún vào thân cây độ 1 mm là vừa.
Điểm thắt nên ở khoảng gần gốc, trên 1-2 lá dưới cùng. Sau một thời gian, chiếc lá ngay trên chổ thít thường bị héo dần và rụng mất. Nếu gốc cây đã cao thì có thể thắt ở ngay dưới lá thứ nhất.
Ở giai đoạn này cần tưới đủ, tiếp tục thúc phân kích như trên. Cứ như vậy trong 1-2 tháng, cho đến khi thấy nhú chồi cây con thì thôi.
Trong quá trình này, nên bới giá thể sát gốc ra một chút, vì rất có thể chồi cây lại mọc ra ở dưới sâu, trong vùng có rễ. Nếu thấy dây thắt lỏng ra thì xoắn chặt lại như cũ.
Do ứ nhựa lại ở phần dưới của cây, nên phần trên của cây mẹ bị dừng phát triển. Nếu bạn thắt quá mức thì sẽ làm phần trên héo đi, vì vậy tốt nhất là theo dõi mà thắt chặt dần sau từng ngày.
c- Dưỡng chồi non:
Đây là giai đoạn phải bảo vệ và chăm sóc chồi rất cẩn thận.
Chồi non rất dễ bị thối nếu bị ướt lâu, vì vậy cần tưới xung quanh gốc, tránh tưới vào chồi non. Thuốc ngừa nấm cũng chỉ dùng 1/2 liều.
Phân bón thì thôi gia Antonic, thay vào là B1 Thái, 1 tuần/lần X 3-4 lần. Chủ yếu dùng 30-10-10 hoặc 20-20-20.
Khi chồi cao độ 1 cm thì nó nhú chòm lá, lá non này rất dễ bị thối nếu chạm vào giá thể, cần bới tránh ra. Và tháo bỏ dây thắt cây mẹ.
Nếu ở cây già, thân dài, chồi mọc trên cao thì nhàn hơn nhiều.
Khi chồi 2cm, đã nâng lá lên khỏi mặt giá thể thì chăm sóc bình thường cùng cây mẹ, chờ rễ cây con.
Để rễ cây ky phát triển nhanh, khoẻ, bạn nên xếp than cao lên, đón cho rễ bám vào.
Khi chùm rễ của cây con đã khỏe thì cắt tách cây con ra chậu khác, khéo léo đem cả những viên than mà rễ đã bám vào sang chậu mới. Nhớ bôi thuốc phòng bệnh vào vết cắt.
Trong suốt quá trình tiến hành, cần để cây ở nơi ẩm mát, tránh nắng, mưa.
Trên đây là 2 phương pháp nhân giống đơn giản, dễ làm, ít tốn, và dễ thành công.
Chúc thành công"
Nguồn: sưu tầm Internet

Copyright © 2013 chuyên bán hoa™ is a registered trademark.

Designed by Templateism. Hosted on Blogger Platform.

// //]]>