Triệu chứng bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa khô, ở mặt dưới lá của nhiều cây xuất hiện những chấm trắng nhỏ li ti. Sau đó, các vết chấm này cứ ngày một nhiều lên, nối lại với nhau rồi chuyển dần thành mầu nâu đen và khô héo dần. Những lá nào có hiện tượng này nếu nhìn thiệt kỹ sẽ thấy có những con vật nhỏ xíu như con mạt gà, mầu vàng, hồng hay mầu đỏ đậm đang di chuyển.
1. Dấu hiệu nhận biết cây lan của bạn bị nhện đỏ:
Lòai nhện này có cơ thể rất nhỏ (khỏang một ly), nếu không thật chú ý thì mắt thường rất khó phát hiện. Muốn quan sát kỹ cần phải có kính lúp học sinh (có bán ở các nhà sách) có độ phóng đại lớn. Qua kính lúp các bạn sẽ thấy cơ thể của chúng hình bầu dục, có 8 chân. Mầu sắc cơ thể thay đổi tùy theo tuổi của chúng, khi mới nở có mầu xanh vàng lợt, lớn lên chúng chuyển sang mầu hồng và lúc trưởng thành có mầu đỏ đậm.
Cả nhện trưởng thành và nhện non đều tập trung ở mặt dưới của lá đã chuyển sang giai đọan bánh tẻ trở đi để cạp và hút dịch của lá, tạo ra những vết chấm có mầu trắng nhỏ li ti giống như bụi cám. Số vết cạp càng tăng lên thì lá càng bị hại nặng hơn và chuyển dần sang mầu nâu đen rồi khô héo dần, làm cho cây lan còi cọc, mất sức rất nhiều. Nhện đỏ gây hại cho cây lan chủ yếu trong mùa khô, còn trong mùa mưa tác hại cửa chúng thường không nhiều.
Ở mặt dưới lá của nhiều cây xuất hiện những chấm trắng nhỏ li ti |
Các vết chấm này cứ ngày một nhiều lên, nối lại với nhau rồi chuyển dần thành mầu nâu đen và khô héo dần |
Chúng thường gây hại trên các giống lan như: Dend. chrysotosum var (Kim điệp); Dend. primulinum (Long tu); Dend. linleyi (Vẩy cá); Dend. draconis (Nhất điểm hồng)...chúng còn gây hại trên nhiều loài lan khác như: Vanda (Vân lan); Phalaenopsis (Hồ điệp); Oncidium (Vũ nữ)...
2. Cách phòng trị nhện đỏ trên phong lan:
Muốn trừ diệt nhện đỏ, các bạn phải sử dụng các loại thuốc đặc trị nhện đỏ. Các bạn tham khảo và sử dụng 1 số loại thuốc sau:
- Danitol 10EC
- Nissorun 5EC
- Pegasus 500EC
- Comite 73EC
- Ortus 5EC
- Polo 500EC
- Cascade 5EC...
Lưu ý: Nhớ là phải luân phiên sử dụng các lọai thuốc với nhau, không nên chỉ dùng một lọai thuốc, dù thuốc đó rất tốt.
3. Cách xịt thuốc trừ nhện đỏ:
Khi xịt các bạn nhớ đặt ngửa vòi xịt để cho thuốc bám dính được với mặt dưới của lá, và phải xịt kĩ cả trong các khe kẽ của cây lan. Có như vậy thuốc mới có cơ hội tiếp xúc được nhiều hơn với con nhện, hiệu qủa của thuốc mới cao.
Thêm một điều nữa mà các bạn cần nhớ cho là không nên xịt thuốc định kỳ vài ngày một lần, mà phải kiểm tra theo dõi thường xuyên (nhất là trong mùa khô) bằng kính lúp học sinh hoằc bằng kính lão có độ phóng đại lớn, khi nào thấy có nhiều nhện thì mới xịt thuốc, làm như vậy không những đỡ tốn kém tiền mua thuốc, công phun xịt, giảm bớt độc hai do hơi thuốc bay vào trong nhà, khu sinh hoạt... mà còn không làm tăng tính kháng thuốc đối với nhện (một đối tượng thường có tính kháng thuốc rất cao).
Sau khi phun xịt thuốc trừ nhện đỏ, các bạn nhớ phun xịt thêm phân bón lá giúp cho cây lan nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
(Tin:TT Tin học & Thông tin Sở KH&CN Đồng Nai )
0 comments:
Post a Comment