Cây phong lan (giống Đăng lan và Cát lan) trên lá (chủ yếu là ở đầu lá) tự nhiên xuất hiện những chấm nhỏ mầu nâu nhạt hơi vàng, sau đó phát triển rộng ra thành những đốm hình tròn mầu nâu sẫm. Nếu nặng có thể làm cho lá bị khô một phần hoặc cả lá, trên chỗ bị bệnh xuất hiện những vân vòng đồng tâm và những chấm đen.
Qua mô tả kết hợp với những hiểu biết về sâu bệnh hại trên cây phong lan, dự đóan rằng cây phong lan của nhà bạn đã bị bệnh Thán thư (có người còn gọi là bệnh đốm than) gây hại. Bệnh này do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Ngoài cây phong lan bệnh còn gây hại cho khá nhiều lọai cây trồng khác.
Trên lá của cây phong lan, ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu nâu vàng, sau đó vết bệnh cứ tiếp tục phát triển rộng dần ra thành những đốm tròn có mầu nâu đậm. Bệnh có thể tấn công ở mọi vị trí trên lá của cây. Nếu tấn công ở chóp lá sẽ làm cho lá bị khô từ trên xuống, có khi xuống tới 2/3 chiều dài lá. Nếu bệnh tấn công ở gốc lá vết bệnh sẽ lan dần ra xung quanh, nếu nặng có thể làm cho lá bị rụng. Sau một thời gian ở giữa vết bệnh chuyển dần sang mầu xám và xuất hiện những vân vòng đồng tâm rộng khỏang 1 ly (như bạn đã thấy), sau đó xuất hiện các chấm nổi lên mầu nâu đen, đó là đĩa bào tử. Nếu bị nặng có thể làm cho nhiều lá bị chết, thậm chí chết cả cây.
Hình 2 - Cho thấy hình ảnh các bệnh thường gặp trong Phalaenopsis: đốm nâu vi khuẩn (1), bệnh thán thư (2), thối do vi khuẩn (3) và (4) tương ứng. |
Nguồn bệnh tồn tại trong tàn dư của cây bị bệnh, trong đất, trong nguyên liệu để trồng phong lan. Bào tử phân sinh lan truyền chủ yếu nhờ nước, nhờ gió, nẩy mầm xâm nhập vào trong lá phong lan qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì.
Bệnh thường phát sinh và gây hại từ tháng 3 đến tháng 10, nhưng tập trung nhiều nhất là vào khỏang tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện trời nóng, có mưa nắng thất thường, độ thông thóang của giàn lan kém, tưới nước qúa nhiều tạo cho chậu lan luôn ẩm ướt...thường làm cho bệnh gây hại nhiều hơn.
Để hạn chế tác hại của bệnh bạn có thể tiến hành một số biện pháp sau:
- Kiểm tra chậu lan thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trị kịp thời. Nên mạnh dạn cắt bỏ những lá bị bệnh hại nặng đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh trong khu vực giàn lan, tránh bệnh lây lan sang những chậu lan, cây lan khác.
- Trước khi trồng nếu có điều kiện bạn nên xử lý chậu lan và chất trồng lan (than củi, dớn, vỏ dừa...) bằng dung dịch Formol 40% pha nồng độ 5% phun xịt lên chậu và chất trồng rồi phủ kín bằng bạt nilon khỏang 2-3 ngày, sau đó mở bạt ra khoảng 1-2 ngày sau thì có thể trồng lan vào.
- Không nên tưới nước quá nhiều, nhất là vào buổi chiều tối. Nếu bệnh thường gây hại nặng thì trong mùa mưa nên có mái che bằng nilon trắng vừa hạn chế nước mưa một cách chủ động, mà vẫn đảm bảo có đủ ánh sáng cho cây.
- Không nên che kín bít bùng giàn lan, nên tạo cho giàn lan nhận được đầy đủ ánh nắng mặt trời theo yêu cầu của từng lòai lan, tạo cho giàn lan thông thóang gió.
- Nếu thấy cây lan chớm có bệnh thì hạn chế tưới nước và dùng một trong vài lọai thuốc như: Candazole 50WP; Bavistin 50SC; Topsin M 70WP; Vithi-M 70BTN... xịt định kỳ khoảng 7-10 ngày một lần. Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn có in sẵn trên nhãn thuốc.
Nguồn: sưu tầm Internet
0 comments:
Post a Comment