Nhìn chung các loại lan rừng ở các tỉnh phía Nam do chưa được thuần hoá như các loại lan mà chúng ta thường nhập từ Thái Lan, Úc, Đài Loan... nên quá trình trồng và chăm sóc chúng cũng phải khác so với các loại lan đã được thuần hoá.
Như bạn đã biết ở các tỉnh phía Nam có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô rõ rệt, cây lan sống trong các rừng cây ở đây trải qua rất nhiều thế hệ chúng đã quen với điều kiện thời tiết, khí hậu này. Những cây lan rừng sống được là nhờ bám vào các thân cây khác trong rừng, chủ yếu hấp thu hơi nước từ không khí, nước và thức ăn từ các phần khô mục của vỏ hay thân, cành cây chết mà chúng đeo bám (giá thể). Vào mùa mưa nhờ có nước và ẩm độ không khí cao, chất dinh dưỡng được hoà tan, cây lan hút được nhiều dinh dưỡng, nước nên chúng tươi tốt mập mạp, ra hoa nhiều, hoa đẹp. Nhưng vào mùa khô thời tiết khô nóng, ẩm độ trong không khí và trên giá thể giảm đi, cây thoát hơi nước nhiều, thân cây bị khô, lá bị rụng( nhằm hạn chế tối đa sự thoát hơi nước của cây), cây lan chuyển dần sang trạng thái nghỉ, ngừng phát triển. Khi mùa mưa đến cây lan lại bắt đầu chu kỳ phát triển trở lại để rồi ra lá mới, bông mới... vì thế khi đem lan rừng về trồng ở vùng đồng bằng thấp, chúng ta cũng phải tạo cho chúng một điều kiện sống tương tự như khi chúng còn sống trong rừng thì cây lan mới ra bông. Cụ thể là phải cho cây lan “nghỉ” vào mùa khô bằng cách không tưới nước một, hai tháng để cho cây lan bị khô héo, rụng lá y như trong điều kiện tự nhiên của chúng. Khi muốn cho lan ra bông thì tiến hành tưới nước, tưới phân trở lại cây lan sẽ mọc chồi mới và phát triển mạnh mẽ. Sau khi tưới nước, tưới phân khoảng 3 tháng cây lan sẽ ra bông. Với những cây lan còn nhỏ vừa mới tách chồi từ cây mẹ thì không nên làm cách này vì cây dễ bị mất sức, còi cọc, không ra hoa vì bản thân những cây còn nhỏ này chưa tích luỹ dự trữ được đầy đủ chất dinh dưỡng cây.
Nguồn: WAG (Theo NNVN)
0 comments:
Post a Comment